Giỏ hàng
LÃO THỊ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT !

LÃO THỊ VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT !

Ngày: 04-10-2018 đăng bởi: Hồ Nam

Lão thị là gì?

Lão thị là tình trạng mắt của người có tuổi từ 40 tuổi trở lên giảm khả năng điều tiết nên không tập trung vào vật ở trong khoảng nhìn gần thông thường (30cm-35cm), gặp khó khăn khi đọc, viết hoặc làm việc nhìn vào vật cầm trên tay. Người bắt đầu bị lão thị thường đưa mục tiêu muốn nhìn rõ ra xa mắt và nheo mắt để nhìn. Những người bị viễn thị gặp hiện tượng này sớm hơn người bình thường hoặc cận thị.

Cơ chế chính xác gây ra lão thị chưa được xác định chắc chắn, tuy nhiên các bằng chứng nghiên cứu đều cho thấy tác động mạnh của việc giảm độ mềm dẻo của thủy tinh thể, mặc dù sự thay đổi độ cong của thuỷ tinh thể theo độ tuổi cùng với sự giảm trương lực cơ thể mi (là các cơ làm phồng hay xẹp thủy tinh thể) cũng đều được công nhận như những nguyên nhân gây ra lão thị.

Tương tự như tóc bạc và nếp nhăn da, lão thị là một triệu chứng gây nên bởi tiến trình lão hóa tự nhiên. Những triệu chứng ban đầu thường được nhận biết vào độ tuổi 40-50.

Triệu chứng

Triệu chứng đầu tiên thường gặp ở người bị lão thị là khó đọc sách báo, đặc biệt tại nơi thiếu ánh sáng, mắt căng thẳng sau khi đọc một thời gian dài, nhìn vật gần thấy mờ hoặc mờ trong khoảnh khắc thay đổi cự ly nhìn. Nhiều người bị lão thị thường ca cẩm là cánh tay của họ sao mà “ngắn quá” không thể đưa vật cầm trên tay ra xa hơn để mà nhìn cho thấy rõ chi tiết.

Lão thị, cũng giống như các dạng kém tập trung khác, trở nên giảm bớt ở nơi sáng sủa. Điều này không có gì là huyền bí mà chỉ là do đồng tử của mắt ở nơi sáng thì co nhỏ lại, nhờ đó chiều sâu thị trường tăng đáng kể, bất kể khả năng tập trung có kém hay không, giống như ở máy chụp ảnh qua lỗ nhỏ có thể chụp được ảnh mà không cần đến thấu kính. Có thể giải thích cách khác là qua lỗ nhỏ thì vòng mờ, hoặc ảnh mờ đã được giảm bớt mà không cần phải điều chỉnh tiêu cự.

Tùy theo nghề nghiệp và nhu cầu của mỗi người mà việc khắc phục chứng lão thị được tiến hành sớm hay trễ. Nhà nông và người nội trợ thì thấy không vội gì, còn người làm dịch vụ và xây dựng chẳng hạn thì muốn khắc phục sớm hơn.

Nguyên nhân lão thị

Do ảnh hưởng tuổi tác, giảm sức điều tiết tại cơ thể mi, giảm sự đàn hồi thể thủy tinh, củng mạc xơ cứng theo tuổi mất độ đàn hồi tạo kháng lực với thể mi.

Điều trị lão thị

Mắt kính có gọng

Mắt kính không có đường ráp nối được xem là giải pháp phổ biến nhất cho hầu hết những người bị lão thị trên 40 tuổi hiện nay. Loại kính đa tròng này giúp cải thiện khả năng nhìn gần và giúp bạn có thể nhìn tốt ở mọi khoảng cách, kể cả khi bạn mắc các tật khúc xạ khác ngoài lão thị.

Một lựa chọn khác là kính hai tròng. Kính hai tròng ít phổ biến hơn vì chúng có tầm nhìn hạn chế hơn so với kính đa tròng. Thêm vào đó là vấn đề tâm lý và thẩm mĩ: người mắc tật lão thị không muốn để người khác biết tuổi của mình khi phải mang kính hai tròng với một đường ráp nối ở giữa.

Thông thường những người bị lão thị sẽ cảm thấy nhạy cảm hơn với ánh sáng và dễ bị chói mắt vì sự lão hóa của mắt. Các tròng kính quang học có khả năng chuyển màu sẫm hơn khi ra ngoài nắng là một lựa chọn tốt giúp khác phục vấn đề này. Chúng có sẵn ở các loại mắt kính khác nhau, bao gồm cả kính đa tròng và kính hai tròng.

Kính để đọc là một lựa chọn khác. Không như kính hai tròng hay kính đa tròng có thể đeo cả ngày, kính đọc chỉ được đeo khi bạn muốn nhìn gần hoặc đọc chữ nhỏ rõ ràng hơn.

Bất kể bạn chọn loại kính mắt nào để điều chỉnh tật lão hóa, bạn nên xem xét việc chọn tròng kính có phủ lớp chống lóa. Lớp phủ chống lóa sẽ giúp loại bỏ các phản quang khiến mắt phải căng nhìn và mất tập trung. Nó cũng giúp làm giảm chói và tăng khả năng quan sát khi lái xe ban đêm.

Kính áp tròng

Lão thị cũng có thể điều chỉnh bằng kính áp tròng đa thị (multifocal contact lenses), với lựa chọn ở cả hai loại vật liệu: loại mềm và loại cứng. Một loại kính áp tròng khác để điều chỉnh tật lão thị là tròng đơn thị (monovision), trong đó có một mắt mang kính nhìn gần và mắt còn lại mang kính nhìn xa. Khi đó não phải học cách điều khiển hai mắt cho phù hợp với các nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên, trong khi một vài người cảm thấy dễ dàng thích nghi với kính đơn tròng, vài người khác lại cho rằng nó khiến họ giảm khả năng nhìn và gây mất tập trung.

Vì thể thủy tinh của người tiếp tục thay đổi khi bạn già hơn, nên độ lão thị của mắt cũng sẽ tăng lên theo thời gian. Nếu kính phải tăng độ lên quá nhiều, bác sĩ nhãn khoa sẽ có những biện pháp can thiệp mạnh hơn nhằm cải thiện khả năng nhìn gần của bạn.

Phẫu thuật

Bạn không muốn mang kính có gọng hoặc kính áp tròng để điều chỉnh lão thị? Vậy bạn có thể chọn phẫu thuật như một biện pháp thay thế hiệu quả. Một thủ thuật được áp dụng khá nhiều trong thời gian gần đây nhằm điều chỉnh chứng lão thị là ghép phiến inlay (corneal inlay). Thông thường, ghép phiến sẽ được thực hiện với mắt không phải mắt nhìn chính, inlay sẽ giúp cải thiện thị lực gần mà không làm ảnh hưởng đáng kể thị lực xa. FDA (U.S. Food and Drug Administration) cấp phép sử dụng lớp inlay Kamra (do AcuFocus nghiên cứu và phát triển) và inlay Raindrop Near Vision (do ReVision Optics nghiên cứu và phát triển) trong phẫu thuật ghép inlay.

Các phương pháp phẫu thuật khác giúp điều chỉnh lão thị bao gồm:

  • NearVision CK.Phương pháp phẫu thuật thẩm mĩ được thương mại hóa bởi Tập đoàn Refractec. Phương pháp này sử dụng sóng vô tuyến tần số thấp để thay đổi hình dạng giác mạc của mắt giúp cải thiện tầm nhìn gần.
  • Monovision LASIK.Phẫu thuật LASIK tạo kết quả tương tự như kính áp tròng đơn thị (monovision), nhưng không cần phải đeo kính áp tròng.
  • Phẫu thuật LASIK đa tuyến (multifocal LASIK) tương tự như kính áp tròng đa thị (multifocal contact lenses). PresbyLASIK được thực hiện từ nhiều năm qua ở Châu Âu, tuy nhiên nó vẫn chưa được FDA cho phép áp dụng ở Mỹ.
  • Kính nội nhãn.Phương pháp này còn được gọi là RLE (Refractive lens exchange). Phẫu thuật nhằm thay thể thủy tinh của mắt, tương tự như phẫu thuật đục thủy tinh thể, tuy nhiên thể thủy tinh được thay thế vẫn chưa bị mờ do đục thủy tinh thể. Bác sĩ phẫu thuật có thể chọn một kính nội nhãn đa thị (multifocal) hoặc một kính nội nhãn phù hợp giúp cải thiện tầm nhìn gần.

Khi phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện trên bạn nên đến khám ngay các bác sĩ chuyên khoa để nhận được sự tư vấn điều trị sớm nhất.




HỆ THỐNG KÍNH THUỐC - PHÒNG KHÁM MẮT THU HÀ
(Đối diện cổng số 1 Bệnh viện mắt Trung Ương)

  • Phòng khám chuyên khoa mắt: Tầng 2, Số 134 Bà Triệu, P.Nguyễn Du, Q.HBT, HN - ĐT 0243 943 4570 (máy lẻ 102)
  • Nhà Thuốc chuyên khoa mắt: Tầng 2, Số 134 Bà Triệu, P.Nguyễn Du, Q.HBT, HN - ĐT 0243 943 4570 (máy lẻ 102)
  • Hiệu kính: Số 134 và 140 Bà Triệu, P.Nguyễn Du, Q.HBT, HN - ĐT 0243 943 4570
  • Hotline: 0908134140
  • ĐT: 02439434570
  • Web: www.kinhthuocthuha.vn
  • Email: phongkham@kinhthuocthuha.vn