Giỏ hàng
GIA TĂNG BỆNH VỀ MẮT Ở HỌC SINH TRONG THỜI DỊCH

GIA TĂNG BỆNH VỀ MẮT Ở HỌC SINH TRONG THỜI DỊCH

Ngày: 12-11-2021 đăng bởi: Haravan Hỗ trợ

Tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều, ít hoạt động vui chơi, khoảng cách với màn hình gần... gây suy giảm thị lực, gia tăng bệnh mắt ở học sinh.
Bác sĩ nhãn khoa ở Khám Mắt Thu Hà cho biết, trong giai đoạn học trực tuyến và kỳ nghỉ hè không được tham gia các hoạt động vui chơi do dịch, thực tế khám bệnh cho thấy có nhiều trường hợp trẻ bị suy giảm thị lực nhanh chóng. Có học sinh lớp 7 chỉ học online, đọc sách một lúc kêu mỏi mắt, phải dí sát mắt vào sách mới đọc được. Sau khi đến bệnh viện khám và đo thị lực, em bị cận 1.5 độ, phải đeo kính. Cũng có trường hợp trẻ đeo kính cận 2.5 độ, nhưng sau nhiều tháng ở nhà thì nhìn mọi vật xung quanh không rõ nét. Em đi đo mắt lại và phải đeo kính cận 4 độ, tăng 1.5 độ so với trước.
Kết quả của một cuộc kiểm tra mắt trên 2.696 học sinh cấp ba tại hệ thống trường Thực nghiệm ở Hà Nội do một bệnh viện mắt thực hiện gần đây cho thấy, tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ gia tăng, có 38% đeo những cặp kính chưa tối ưu (sai số, kính hỏng), trong đó khoảng 10% đeo kính không đúng so với độ cận, loạn, viễn thị thực tế.
Tỷ lệ cận thị học đường ở thành thị thường gia tăng liên quan đến không gian sống chật hẹp, trẻ bị hạn chế hoạt động vui chơi bên ngoài và thường xuyên phải nhìn gần với các thiết bị điện tử. Vẫn đeo kính cũ khi độ tật khúc xạ đã thay đổi là nguyên nhân khiến mắt luôn phải điều tiết dẫn đến mệt mỏi, nhức đầu và lâu dần sẽ bị suy giảm thị lực nghiêm trọng.
Trong khi đó, theo khảo sát được thực hiện vào khoảng tháng 8/2020 của Tạp chí Nhãn khoa Ấn Độ (thuộc Hiệp hội Nhãn khoa Ấn Độ), trong tổng số 840 câu trả lời được ghi nhận từ các cha mẹ có con trong khoảng 12 tuổi, có 328 câu trả lời cho biết trẻ gặp triệu chứng nhức đầu và 320 trường hợp báo cáo trẻ dụi mắt liên tục. Đây là những triệu chứng mắt phổ biến nhất ở trẻ em do sử dụng thiết bị kỹ thuật số. Theo chia sẻ của 50% phụ huynh, trước khi Covid-19 xảy ra, con họ không có những biểu hiện này.
Báo cáo này cũng cho thấy học trực tuyến là hoạt động phổ biến nhất kéo dài trong nhiều giờ trên thiết bị kỹ thuật số, sau đó là lướt web, xem phim. Thời gian sử dụng thiết bị trung bình tăng hơn hai tiếng mỗi ngày và cũng có trường hợp tăng cao hơn 6 tiếng mỗi ngày do trẻ bị hạn chế ra ngoài vui chơi. 34% phụ huynh cho biết con cái của họ bị sai tư thế khi học với các thiết bị điện tử.


Mỏi mắt, mờ mắt, nhức đầu, kém tập trung... là những triệu chứng của "hội chứng thị giác màn hình". Ảnh: Shutterstock.

Hội chứng thị giác màn hình do ánh sáng xanh
Trên thực tế, trong lúc giãn cách xã hội, nhiều gia đình phải ở nhà và thường xuyên sử dụng các tiện ích giải trí như tivi, laptop. Báo cáo của Tạp chí Nhãn khoa Ấn Độ cho thấy, thời gian sử dụng các thiết bị cho dịch vụ giải trí trực tuyến tăng 82%.
Theo bác sĩ nhãn khoa, sử dụng các thiết bị kỹ thuật số kéo dài có thể gây ra "hội chứng thị giác màn hình" (CVS). Căng mắt do sử dụng màn hình trong thời gian dài có thể gây ra khoảng 10 triệu chứng rối loạn thị lực như: chảy nước mắt sống, mỏi mắt, nhức mắt, nóng rát, nhức đầu, mờ mắt, đỏ, lác, nhìn đôi, khô hoặc cảm giác dị vật trong mắt. Các vấn đề thứ phát có thể là mỏi cứng cổ, đau lưng, chóng mặt và mệt mỏi toàn thân.
Nguyên nhân của hội chứng thị giác màn hình là do mắt bị tác động bởi ánh sáng xanh - loại ánh sáng có bước sóng ngắn nằm trong khoảng 380 đến 495 nanomet (nm), phát ra từ các thiết bị điện tử như: máy tính, máy tính bảng, điện thoại, tivi, ánh sáng từ đèn LED, đèn huỳnh quang...
Bác sĩ nhãn khoa cho biết, khi mắt tiếp xúc ánh sáng xanh thường xuyên với cường độ cao sẽ gây hại và làm tổn thương, thậm chí gây chết các tế bào thị giác, nhất là tế bào biểu mô sắc tố võng mạc. Điều này làm rối loạn điều tiết mắt, suy giảm thị lực và tăng nguy cơ mù lòa. Ngoài ra, ánh sáng xanh có thể làm gián đoạn nhịp sinh học và gây rối loạn giấc ngủ.
Cách bảo vệ và tăng sức đề kháng cho đôi mắt
Bác sĩ nhãn khoa chia sẻ thêm, điều quan trọng để bảo vệ mắt trước ánh sáng xanh là thiết lập lịch trình thời gian biểu hợp lý. Trẻ không nên xem màn hình liên tục quá 30 phút. Các video bài giảng nên gói gọn trong khoảng thời gian tương ứng hoặc cho trẻ nghỉ giải lao giữa giờ, khuyến khích trẻ có hoạt động giải trí khác không nhìn vào màn hình. Sau mỗi 20 phút sử dụng màn hình, trẻ nên nghỉ mắt 20 giây và tập trung mắt vào một thứ cách đó khoảng 20 feet tương đương khoảng 6 mét (quy tắc 20-20-20). Phương pháp này sẽ làm giảm căng thẳng và tăng cường khả năng tập trung cho mắt sau đó.


Cần giữ khoảng cách từ mắt đến màn hình máy tính khoảng từ 40-50 cm (tương đương một cánh tay người lớn), giữ tư thế đúng khi ngồi học và nên ngồi gần nguồn sáng tự nhiên như cửa sổ. Ảnh: Shutterstock.

Để làm chậm quá trình tăng độ cận thị và tránh các vấn đề về mắt, bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo phụ huynh cho trẻ đi khám mắt định kỳ 3-6 tháng một lần, cho trẻ rời xa máy tính, tivi hoặc điện thoại 30 phút hoặc một tiếng mỗi ngày. Trẻ nên hoạt động thể chất ngay tại chỗ như nhảy cao, nhảy nâng cao đùi, chuyền bóng, tập thể dục...
Chế độ dinh dưỡng khoa học cũng góp phần chăm sóc mắt. Thực đơn ăn uống hàng ngày cần đầy đủ dưỡng chất và bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vitamin A, C, omega3... Các nhà khoa học đã tìm thấy tinh chất broccophane chiết xuất từ một loại bông cải xanh rất giàu sulforaphane, có thể làm tăng thioredoxin - loại protein tự nhiên có khả năng bảo vệ tế bào võng mạc trước tác hại của ánh sáng xanh từ các thiết bị màn hình như: máy tính, tivi, máy tính bảng, smartphone...


Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và những dưỡng chất cho mắt sẽ giúp mắt sáng khỏe, giảm bớt triệu chứng mờ, mỏi mắt. Ảnh: Shutterstock.

Trẻ nên nghỉ ngơi, không dùng các thiết bị điện tử ít nhất hai tiếng trước khi ngủ. Phụ huynh có thể kích hoạt bộ lọc ánh màu xanh trong cài đặt màn hình hoặc đeo kính chống ánh sáng xanh. Màn hình cũng nên được làm sạch thường xuyên vì bụi bẩn có thể cản trở tầm nhìn rõ ràng, làm tăng mỏi mắt.
Hàng ngày, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ tập luyện mắt bằng cách nhìn ra xa từ cửa sổ, ban công, đặc biệt nhìn ra các khoảng cây xanh sẽ làm giảm nguy cơ tăng độ cận thị. Cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở trẻ khi đọc, viết phải ngồi thẳng lưng, không nằm đọc sách hay vừa ăn vừa xem tivi.
 

HỆ THỐNG KÍNH THUỐC - PHÒNG KHÁM MẮT THU HÀ

  • Kính mắt Thu Hà

  • Phòng khám chuyên khoa mắt 

  • Nhà Thuốc chuyên khoa mắt

  • Cơsở1:Số 134 và 140 Bà Triệu, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội - ĐT: 0243 943 4570

  • Cơsở2:Số 66 Lê Lợi, Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội - ĐT: 088 620 1188. 

  • Hotline:0908134140 hoặc 088 620 1166

  • Website:https://khammatthuha.vn

  • Email:info@kinhthuocthuha.vn

  • shopee.vn/khammatthuha