Hội chứng khô mắt là tình trạng phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và ở những người khỏe mạnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng này.
Theo một nghiên cứu, có khoảng 17% trong số 2.127 bệnh nhân đến khám tại một bệnh viện ở Nhật Bản được chẩn đoán là bị khô mắt. Hay kết quả nghiên cứu có 4,6% ở nhóm 2.520 người lớn tuổi có các triệu chứng khô mắt
Tuy nhiên, khô mắt chỉ đơn giản là thiếu nước mắt hay đây là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng ở mắt? Hãy cùng tham khảo bài viết bên dưới để tìm hiểu tất tần tật các thông tin về hội chứng này nhé.
1. Tổng quan về khô mắt
Bệnh khô mắt là gì?
Màng phim nước mắt được tạo thành từ ba lớp gồm lớp lipid, lớp nước và lớp chất nhầy. Ba lớp này sẽ cùng nhau bảo vệ nhãn cầu khỏi các tác nhân bên ngoài, như sau:
● Lớp Lipid giúp ngăn cản quá trình bốc hơi của nước mắt và ổn định màng nước mắt
● Lớp nước giúp giữ ẩm và ngăn ngừa nhiễm khuẩn mắt
● Lớp chất nhầy (mucin) giúp giữ lớp nước bám và trải đều trên bề mặt nhãn cầu, góp phần bôi trơn giác mạc
Khô mắt là bệnh lý chính liên quan đến những bất thường của phim nước mắt, bao gồm hai nhóm chính là khô mắt do giảm sản xuất nước mắt và khô mắt do tăng bốc hơi phim nước mắt. Trong mỗi nhóm lại gồm nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng hệ quả chung vẫn là tình trạng mất ổn định màng phim nước mắt và tổn thương kết mạc - giác mạc kèm theo. Đây là bệnh phổ biến và thường gặp ở một số đối tượng như:
● Nhân viên văn phòng
● Phụ nữ tuổi mãn kinh
● Người lớn tuổi
● Người thường xuyên đeo kính áp tròng
Nguyên nhân gây khô mắt
Khô mắt do nhiều nguyên nhân gây ra, dưới đây là một vài nguyên nhân phổ biến:
● Sự mất cân bằng trong hỗn hợp nước mắt, do đó nước mắt bay hơi quá nhanh
● Sản xuất không đủ nước mắt
● Quá trình lão hóa tự nhiên, đặc biệt là mãn kinh
● Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc kháng histamin
● Các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng tiết nước mắt như hội chứng Sjogren, viêm khớp dạng thấp và bệnh mạch máu collagen
● Các vấn đề bệnh lý dẫn đến mí mắt không thể khép lại như bình thường
● Giảm tần số chớp mắt
● Đeo kính áp tròng
● Các bệnh bề mặt mắt
● Thiếu vitamin A
● Tắc lệ quản
Triệu chứng khô mắt
Hội chứng khô mắt có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm:
● Cảm giác châm chích, bỏng rát, cộm hoặc nhức mắt
● Cảm giác như cát hoặc dị vật trong mắt
● Ghèn đóng xung quanh mắt
● Mắt trở nên nhạy cảm hơn với khói, gió hoặc ánh sáng
● Mắt bị đỏ
● Mỏi mắt khi đọc sách hoặc xem thiết bị điện tử, dù chỉ trong thời gian ngắn
● Mắt hơi mờ
● Cảm giác khó chịu khi đeo kính áp tròng
● Mí mắt dính vào nhau khi thức dậy
● Nặng mi mắt
Ngoài các dấu hiệu trên đang ngầm báo cho bạn biết mình bị khô mắt thì chảy quá nhiều nước mắt cũng là một dấu hiệu bất thường do khô mắt tạo ra. Đây được gọi là phản xạ chảy nước mắt, nguyên nhân vì mắt bị kích ứng do thiếu độ ẩm. Khi bị kích ứng, các dây thần kinh ở mắt sẽ truyền tín hiệu đau đến hệ thống thần kinh trung ương rằng mắt đang cần được bôi trơn nhiều hơn, từ đó, cơ thể sẽ cố gắng tiết nhiều nước mắt để bù đắp sự thiếu hụt đó.
Bệnh khô mắt được điều trị như thế nào?
● Đối với trường hợp mạn tính: phương pháp không dùng thuốc giúp bệnh nhân cải thiện hiệu quả điều trị. Cần tránh luồng không khí trực tiếp như quạt gió, điều hòa không khí, lò sưởi nhằm ngăn nước mắt bốc hơi nhanh. Sử dụng máy làm ẩm không khí khoảng 35-40% độ ẩm. Sử dụng kính có viền cao su ôm mi mắt.
● Sử dụng thuốc nhỏ mắt nhân tạo: Đây là phương pháp bổ sung phổ biến và hiệu quả. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thương hiệu nước mắt nhân tạo, nhưng nhìn chung có thể chia thành hai nhóm là Natri Hyaluronate, một thành phần có trong nước mắt tự nhiên và nhóm polymer tổng hợp như Cellulose, Carbomer, Polyethylene Glycol. Cả hai loại này đều có công dụng bôi trơn và giảm cảm giác khô rát ở mắt, tuy nhiên, thành phần Natri hyaluronate sẽ ít gây kích ứng hơn và giúp mắt dễ chịu hơn.
● Điều trị bệnh lý: nếu vấn đề bắt nguồn từ tình trạng nhãn khoa hoặc các bệnh lý khác thì tình trạng cơ bản cần được điều trị trước khi điều trị khô mắt
● Điều trị viêm bờ mi: Viêm bờ mi sẽ ảnh hưởng đến lớp lipid trên màng phim nước mắt nên cần được điều trị và vệ sinh bờ mi với những sản phẩm chuyên dụng.
Khô mắt có để lại biến chứng không?
Hầu hết các trường hợp khô mắt nhẹ đều không để lại biến chứng lâu dài sau khi được điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng tiến triển nặng có thể dẫn đến các vấn đề như viêm mắt, nhiễm trùng và tổn thương bề mặt giác mạc. Tổn thương này có thể dẫn đến loét hoặc để lại sẹo, gây đau đớn và ảnh hưởng đến thị lực.
2. Các biện pháp khắc phục giảm khô mắt tại nhà
Bên cạnh việc sử dụng nước mắt nhân tạo và điều trị bệnh lý gây khô mắt, bạn có thể tự thực hiện một vài cách sau để giảm bớt triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu do mắt khô gây ra ngay tại nhà. Sau đây là một vài ví dụ tham khảo
Chườm ấm
Chườm ấm là phương pháp bạn có thể thực hiện tại nhà mỗi ngày, giúp giảm kích ứng, làm tan cặn bị tắc ở mí mắt và giúp mắt cảm thấy dễ chịu hơn. Sau đây là các bước thực hiện chườm ẩm:
● Dùng một cái khăn sạch và làm ẩm bằng nước ấm
● Vắt ráo nước và chườm lên mắt trong khoảng 1 - 2 phút.
● Dùng ngón tay ấn nhẹ vào mép mí mắt để giúp đẩy bớt dầu tắc ra ngoài.
Vệ sinh bờ mi
Nếu nguyên nhân được cho là viêm bờ mi, người bị khô mắt phải thường xuyên vệ sinh vùng bờ mi bị viêm bằng dung dịch nước muối pha loãng hoặc bằng bông ẩm vệ sinh chuyên dụng như Ocusoft Plus.
Chớp mắt thường xuyên
Khi bạn chớp mắt, màng phim nước mắt sẽ tái sắp xếp lại để làm ẩm và làm sạch giác mạc, do đó, hãy chớp mắt thường xuyên. Một bài tập giúp bạn thực hiện biện pháp này là 20 - 20 - 20, sau 20 phút chăm chú nhìn một vật gì đó thì hãy nhìn ra xa 20 feet trong 20 giây.
Một mẹo nhỏ dành cho bạn để phòng ngừa mắt khô khi sử dụng thiết bị điện tử nhiều là hãy đặt màn hình thấp hơn tầm mắt của mình. Khi đó, bạn sẽ không phải mở to mắt, điều này có thể giúp làm chậm quá trình bay hơi nước mắt giữa các lần chớp mắt.
Bổ sung thực phẩm nhiều dầu
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những chất béo lành mạnh có thể giúp các tuyến tạo dầu trong mắt hoạt động tốt hơn và làm dịu kích ứng. Vậy nên, nếu mắt bị khô, bạn có thể bổ sung các thực phẩm nhiều axit béo omega-3 vào khẩu phần ăn, bao gồm:
● Cá hồi
● Cá ngừ
● Cá mòi
● Cá thu
● Quả óc chó
● Dầu thực vật như dầu hạt cải, dầu đậu nành và dầu hạt lanh
Uống đủ nước
Mọi bộ phận của cơ thể đều cần nước để khỏe mạnh, bao gồm cả đôi mắt. Cho nên, hãy uống đủ 8 - 10 ly nước mỗi ngày để giữ ẩm cho đôi mắt và phòng ngừa tình trạng khô mắt. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung những thực phẩm giàu nước thay vì chỉ uống nước lọc, như sau:
● Dưa hấu
● Cam
● Dưa lưới
● Bưởi
Tất cả những thông tin về bệnh lý khô mắt đã được trình bày thông qua bài viết trên, hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ít mà bạn đang tìm kiếm về hội chứng khô mắt.
HỆ THỐNG KÍNH THUỐC - PHÒNG KHÁM MẮT THU HÀ
Kính mắt Thu Hà - Phòng khám chuyên khoa mắt - Nhà Thuốc chuyên khoa mắt
- Cơ sở 1:Số 134 và 140 Bà Triệu, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội - ĐT: 0243 943 4570
- Cơ sở 2:Số 66 Lê Lợi, Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội - ĐT: 088 620 1188.
- Hotline: 0908134140 hoặc 088 620 1166
- Website: www.khammatthuha.vn
- Email: info@kinhthuocthuha.vn
- Online: shopee.vn/khammatthuha